Bối cảnh Chiến_tranh_Lưu_Tống-Bắc_Ngụy

Đầu thế kỷ IV, thời Tây Tấn, các tộc Ngũ Hồ từ phương bắc tràn vào trung nguyên, Trung Quốc bị chia cắt. Phía nam là nhà Đông Tấn, phía bắc là 20 nước thuộc các tộc Hồ thay nhau và chia nhau cai trị. Từ năm 386, nhà Bắc Ngụy thuộc tộc người Tiên Ty nổi lên và dần dần lớn mạnh, đánh bại quốc gia Hậu Yên hùng mạnh, trở thành nước lớn nhất ở phương bắc.

Trong khi đó ở phía nam, nhà Đông Tấn sau nhiều năm củng cố đã ổn định và giàu mạnh hơn, nhưng luôn bị các quyền thần chi phối, xảy ra tranh chấp quyền lực trong nhiều năm. Do đó, nhiều cuộc bắc phạt để thu hồi đất đai trung nguyên không được thực hiện triệt để. Năm 420, Lưu Dụ cướp ngôi nhà Tấn, lập ra nhà Lưu Tống.

Trong thời Đông Tấn, Lưu Dụ từng mang quân bắc phạt hai lần, diệt hai nước tộc người Hồ là Nam YênHậu Tần. Khi mang quân bắc phạt, Lưu Dụ từng đi qua lãnh thổ Bắc Ngụy, quân Ngụy có cảnh giác ra đề phòng nhưng cuối cùng hai bên chưa giao chiến. Tuy sau đó thành Trường An mà Lưu Dụ mới chiếm được của Hậu Tần bị mất về nước Hạ của Hách Liên Bột Bột nhưng các cuộc bắc phạt của Lưu Dụ tựu trung vẫn làm cho lãnh thổ Nam triều mở rộng lên phía bắc, kinh thành Kiến Khang cách khá xa với vùng biên, được bảo đảm khá an toàn. Đồng thời, biên cương giáp ranh giữa Đông Tấn – và không lâu sau là Lưu Tống - với Bắc Ngụy cũng được mở rộng thêm nhiều so với trước.

Nhà Lưu Tống thành lập bắt đầu thời kỳ lịch sử Nam Bắc triều đối đầu trực diện với nhau. Phía bắc Trung Quốc khi đó, sau những cuộc hỗn chiến giữa các quốc gia Ngũ Hồ, ngoài Bắc Ngụy còn lại các nước Bắc Yên, Tây Tần, Hạ, Bắc Lương. Các nước này đều tương đối nhỏ yếu và thực lực không đủ mạnh để tranh chấp với Bắc Ngụy, vì vậy dù trên bản đồ Trung Quốc có sự hiện diện của 6 nước nhưng thực chất là sự đối đầu giữa hai nước lớn nhất là Bắc Ngụy và Lưu Tống.